Category Archives: Chuyện làng showbiz Việt

Ca khúc Việt thời khủng hoảng thiếu

Minh Thư – ca sỹ từng gây ấn tượng với ca khúc tự sáng tác trên sân khấu SMĐH. Ảnh Bá Lục

(VnMedia) – Khoảng hai năm trở lại đây, showbiz Việt khá bình lặng, đã không còn thời kỳ “đình đám” của những ca khúc “hit”, do vậy có vẻ như các “sao” đang tạm thời năm im “cố thủ”.

Đã không còn thời Khi giấc mơ về của Phương Thanh, Mãi mãi một tình yêu (Đan Trường), Bức thư tình thứ hai (Hồ Quỳnh Hương), Dường như ta đã (Mỹ Tâm)… những ca khúc “hit” sau thời kỳ “thoái trào” của dòng nhạc được coi là thị trường. Các “sao” vẫn ngược xuôi chạy sô Bắc Nam, thậm chí bay sô hải ngoại. Tuy nhiên họ đã không còn tạo được sự “sôi sùng sục” mỗi lần xuất hiện, và trên sân khấu, chút ít ca khúc tạo được sự hưởng ứng của khán giả vẫn chính là những ca khúc cũ.

Một thời, các website luôn thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ bởi các ca khúc “hit” kéo theo sự ngưỡng mộ của các fan đối với thần tượng của mình. Tuy nhiên đã gần hai năm qua, các ca sỹ không ai tạo được “hiện tượng” bằng những ca khúc gây “sốt” cho các fan – điều đó minh chứng cho tình trạng thiếu ca khúc, hoặc “gu” thưởng thức của các khán giả trẻ đã nâng lên một bước, chính vì vậy những ca khúc dễ dãi đã không còn được đón nhận.

Một hiện tượng khác nữa, đó chính là những vụ tranh chấp ca khúc giữa các ca sỹ với nhau hoặc giữa nhạc sỹ với các công ty đào tạo ca sỹ “lùm xùm” xảy ra thời gian gần đây. Trong tình trạng các ca sỹ hàng “sao” bỏ tiền ra mua ca khúc độc quyền và cố gắng đẩy chúng lên thành “hit” thì lại có rất nhiều ca sỹ khác “lăm le” sử dụng trong các show diễn tỉnh, thậm chí là tại ngay các thành phố lớn nếu như không có ca sỹ “độc quyền” kia xuất hiện cùng sân khấu.

Tình trạng các nhạc sỹ trẻ đầu quân cho một số công ty âm nhạc và chỉ sáng tác độc quyền cho các ca sỹ trong công ty biểu diễn khiến cho thị trường ca khúc đã thiếu lại càng khan hiếm hơn như trường hợp Nguyễn Hoài Anh của Thế giới giải trí hay Sỹ Luân bên Nguyễn Pro… những nhạc sỹ này thường có những ca khúc trẻ trung, sôi nổi phù hợp với gu thưởng thức của các khán giả trẻ Sài Gòn.

Những nhạc sỹ “già” người thì “chán chường” với tình trạng “bát nháo” của showbiz thời gian qua nên “lui về ở ẩn” làm những công việc khác, người thì chú tâm vào công việc đào tạo hoặc làm công việc viết lời cho những sáng tác của các nhạc sỹ trẻ, sự phối hợp như thế cũng tạo cho họ chút hưng phấn trong bối cảnh nhạc nhẹ Việt vẫn đang loay hoay tìm lối đi như hiện nay.

Một số nhạc sỹ trẻ tài năng khác thì quay sang làm… world music hoặc các dự án âm nhạc “đẳng cấp” mà quên đi việc sáng tác, số khác quay sang làm “nhà sản xuất” chuyên phối khí và phát hành băng đĩa cho các ca sỹ trẻ, họ đành tạm thời “cất” niềm đam mê sáng tác, chờ một cơ hội khác.

Để “đối phó” với tình trạng thiếu ca khúc, một số ca sỹ hàng “sao” đã bỏ khá nhiều tiền ra để mua những ca khúc nước ngoài như Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm, Đan Trường… Những ca sỹ này chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn để mua những ca khúc hay của nước ngoài, nhưng cũng rất khó khăn bởi liên lạc đối tác để mua được đã khó, về viết lời Việt và đẩy nó lên thành “hit” lại càng không dễ dàng. Tuy nhiên, những ca sỹ kể trên vẫn là may mắn, bởi cũng có nhiều ca sỹ khác không thể mua được bởi hoặc là không liên lạc được đối tác, hoặc giá bản quyền quá cao.

Một số ca sỹ thì quay sang… tự sáng tác. Đây là cách mà các ca sỹ quốc tế họ làm rất lâu rồi, tuy nhiên nó lại khá mới đối với showbiz Việt, dù trước đó những Trần Tiến, Thế Hiển, Đình Văn… là những người thường tự hát những bài mình sáng tác. Trong lứa ca sỹ trẻ gần đây có Mỹ Tâm, Mai Khôi, Minh Quân và trẻ hơn như Minh Thư, Thủy Tiên, Tăng Nhật Tuệ…cũng đang đi theo hướng này như là một “cứu cánh”.

Mỹ Tâm khá “đình đám” với Nụ hôn bất ngờ, Dường Như ta đã… nhưng chuyện đó cũng cách đây 2 năm rồi. Minh Quân làm hẳn một CD các bài mình tự sáng tác, cho dù cũng được khán giả trẻ đón nhận nhưng cũng không thể tạo thành “hit” như Mùa thu vàng, Dẫu có lỗi lầm… trước đây của anh. Mai Khôi từng xuất hiện trên sân khấu Bài hát Việt với hình ảnh ôm đàn ngồi hát ca khúc của mình, khá ấn tượng như những ca khúc khác cô hát trên các sân khấu biểu diễn, nhưng cũng chỉ có thế. Thủy Tiên từng “hoành tráng” như là ca sỹ đầu tiên ở Việt Nam hát Gothic Rock, nhưng cũng chỉ là gây ấn tượng từ năm 2005 rồi… “mất hút” mà chưa làm “bùng nổ” để đưa tên tuổi mình lên được.

Minh Thư bước ra từ Sao mai điểm hẹn với Em không hề khóc và một loạt những ca khúc cô tự sáng tác với thể loại Alternative nhưng cũng chỉ có Em không hề khóc tạm thời là bài “đinh” trong những ca khúc cô sáng tác. Tăng Nhật Tuệ có thể nói là con ong chăm chỉ và là người khá cương quyết khi đi trên con đường mình đã chọn. Hàng loạt ca khúc anh sáng tác cho Hiền Thục cũng như cho chính mình, cùng với 6 lần ca khúc của anh lọt được vào chung kết tháng của Bài hát Việt chứng tỏ sức sáng tác khá “dồi dào” của chàng trai trẻ Hà Nội này. Mặc dù chưa có ca khúc nào tạo nên “làn sóng” cho Hiền Thục cũng như chính mình, nhưng nếu Tăng Nhật Tuệ vẫn cứ tiếp tục theo hướng sáng tác như hiện nay, “chiến thắng” thuộc về anh là điều có thể xảy ra.

Có thể nói, những giải pháp trên mới chỉ đa phần là do các ca sỹ tự nghĩ ra để “cứu” mình như một giải pháp tình thế. Trên thực tế, trong số những ca sỹ “sáng tác” trên thì chỉ có Mai Khôi, Thủy Tiên, Tăng Nhật Tuệ là có thể sẽ thành công nếu đi theo con đường này, các ca sỹ còn lại chưa thể thấy được tiềm năng tiến xa của họ trong việc tự sáng tác cho chính mình. Họ vẫn rất cần đến các nhạc sỹ, đó là điều hoàn toàn chính đáng.

Thời gian qua, chính các khán giả trẻ đã phê phán, thậm chí “tẩy chay” rất mạnh mẽ những sáng tác dễ dãi với ca từ “rẻ tiền”, thô thiển trên các diễn đàn âm nhạc, điều này chứng tỏ thời của những ca khúc “ngây ngô” đã không còn, và những nhạc sỹ – cha đẻ của trào lưu ca khúc ấy cũng phải tĩnh tâm để suy nghĩ lại và tìm hướng đi mới tích cực hơn.

Việc cải thiện tình trạng thiếu ca khúc hay như hiện nay không chỉ là thời gian mà còn là trách nhiệm đối với các nhạc sỹ, nhất là những nhạc sỹ trẻ – những người đồng hành cùng nền nhạc nhẹ Việt Nam đương đại. Hãy vì lòng tự trọng của mình để đừng cuốn theo sự dễ dãi của thị trường, hoặc đừng vì bươn chải trong kế mưu sinh mà làm mất đi những giá trị nghệ thuật đích thực, điều đó vừa tổn hại đến khả năng sáng tạo của các nhạc sỹ, vừa làm cho tình trạng “thiếu ca khúc” của showbisz Việt ngày càng trầm trọng hơn.

Tùng Huy

Ca sỹ và chuyện "hội nhập"

Sao Mai điểm hẹn – một sân chơi phát hiện, đào tạo các ca sỹ theo hướng chuyên nghiệp. Ảnh: Ngô Bá Lục

 

(VnMedia) – Chuyện Bi Rain – chàng ca sỹ đang “hot” nhất châu Á tổ chức 2 đêm diễn tại TP Hồ Chí Minh có thể coi là sự kiện “nóng” nhất showbiz Việt đầu năm Đinh Hợi. Hình ảnh và thông tin về Liveshow của chàng Bi được đăng tải trên hầu hết các báo và được rất nhiều người quan tâm. Thực ra, về giọng hát, Bi cũng không có gì đặc sắc, nhưng Bi có quá nhiều yếu tố để trở thành một ngôi sao sáng chói, trong đó, yếu tố “bẩm sinh” chỉ chiếm một phần nhỏ, còn lại là sự nỗ lực không ngừng của bản thân – những yếu tố quan trọng quyết định thành công của một ngôi sao.

Câu chuyện của Bi, từ chàng vũ công chuyên nhảy phụ hoạ trở thành một ngôi sao ca nhạc toả sáng khắp châu lục không phải là câu chuyện cổ tích. Những người theo dõi và quan tâm đến Bi đều hiểu rất rõ con đường trở thành Ngôi Sao của anh. Từ sự kiện Bi Rain nghĩ về ca sỹ Việt Nam mà không khỏi chạnh lòng.

Mô hình những giọng ca bẩm sinh như Ngọc Sơn, Quang Linh, Mỹ Linh… không cần quá nhiều yếu tố phụ trợ cũng vẫn trở thành Sao như thập niên 90 của thế kỷ trước nay đã không còn tồn tại. Cái thời mà fan chen chúc nhau mua vé, mua hoa và gấu bông (tự nguyện) tặng thần tượng giờ cũng đã giảm, thậm chí thật khó để tìm ra hình ảnh ấy. Thế nhưng còn có rất nhiều ca sỹ, thậm chí “ngôi sao” vẫn ảo tưởng về mình, huyễn hoặc vị trí của mình trong làng nhạc Việt. Họ nghĩ rằng mình có giọng hát hay và cũng chỉ cần thế, cộng thêm hình thức “ổn” là có thể trở thành “sao” và các fan sẽ yêu họ mãi, luôn luôn bên cạnh tung hô họ, thần tượng họ. Họ chỉ cần thay đổi hình ảnh bằng việc sửa tóc, nâng ngực, thiết kế trang phục cầu kỳ…thế gọi là “làm mới” và các fan sẽ tiếp tục thích thú với hình ảnh ấy, chả cần đầu tư nhiều cho âm nhạc làm gì cho mất công… Nhiều ca sỹ vẫn nghĩ thế.

Khát khao trở thành Diva thật sự đáng khuyến khích đối với tất cả các nữ ca sỹ, cho dù “Diva” cũng chỉ là danh hiệu mà báo giới đôi khi tự phong cho họ. Tuy nhiên, đáng lẽ ra, thay vì chăm chút cho “chuyên môn” thì họ lại mong muốn trở thành “Diva” bằng những con đường ngoằn ngoèo khác, mà những con đường ấy, đôi khi phải trả những cái giá rất đắt mà danh hiệu “Diva” thì vẫn quá xa vời.

ĐB – một nhạc sỹ trẻ của Hà Nội trong một lần ngồi uống trà mạn đã nói, đại ý là các ca sỹ trẻ của chúng ta hiện tại còn thiếu rất nhiều thứ, nhất là trong thời buổi hội nhập như hiện nay. Trong khi “dân trí” phát triển nhanh thì các ca sỹ lại lười vận động. Họ chỉ nhìn thấy những cái lợi trước mắt mà không quan tâm đến chuyện lâu dài. Cho nên mới có chuyện, ca sỹ này trở thành “sao” sau một cuộc thi hát, thì một năm sau, có thể sẽ chẳng còn ai nhớ đến anh ta vì đã có một “ngôi sao” khác mọc lên từ một cuộc thi hát mới. Nếu như anh ta chăm chút cho sự nghiệp, hạn chế chạy sô, chuyên tâm vào việc luyện tập ca hát, có chiến lược rõ ràng, cẩn thận và chuyên nghiệp, thì đến cuộc thi hát mới, anh ta có thể an tâm không sợ ai vượt mặt, bởi lúc đó anh ta sẽ ở một đẳng cấp cao hơn, đương nhiên là nổi bật hơn“ngôi sao mới” vừa bước ra từ một cuộc thi hát.

Quay trở lại chuyện “hội nhập” mà chàng nhạc sỹ trẻ băn khoăn, đó thực sự không phải là vấn đề đơn giản. Có những ca sỹ khá tự tin về khả năng của mình, họ có thể kể tên vanh vách những ca sỹ nổi tiếng của nước ngoài, có thể bắt chước bước nhảy hay đoạn “phiêu” của một ngôi sao da đen… nhưng lại không biết hát lấy một làn điệu dân ca Việt Nam. Họ cứ nói tôi hát R&B, Hiphop đấy, nhưng lại không biết rằng thể loại âm nhạc đó xuất phát từ xứ sở nào, và hát thế nào cho ra đúng “chất” của từng loại nhạc. Có những ca sỹ nghĩ “hội nhập” là phải đi nước ngoài quay video clip, làm đĩa … nhưng khi giao lưu với người nước ngoài thì một câu tiếng Anh cũng không biết chứ đừng nói là tự giới thiệu cho khách về bản thân mình.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu hoá như hiện nay, các nền văn hoá trên thế giới có cơ hội được giao lưu với nhau, giới thiệu và quảng bá những tinh hoa nghệ thuật đặc sắc của từng quốc gia, đó là cơ hội lớn cho các ca sỹ trong nước học tập. Nhìn lại show diễn của Bi – Rain và nhóm Baby Vox trong tháng 3 cũng đủ thấy chúng ta khác họ xa như thế nào. Với Baby Vox, nhóm nhạc nữ từng được yêu thích nhất tại Hàn Quốc, cũng là các cô gái vừa hát vừa nhảy múa, nhưng cách họ làm việc, giao lưu trên sân khấu với khán giả khác hoàn toàn cái cách những nhóm nhạc nữ của chúng ta vẫn làm. Trung tâm Hội nghị quốc gia với sức chứa nửa vạn người đã không còn một chỗ trống, dù trời mưa đủ thấy sức cuốn hút của các ngôi sao Hàn Quốc mạnh đến thế nào.

Sôi động và cuồng nhiệt hơn Baby Vox là show diễn Bi-Rain với sức chứa hơn chục ngàn người tại sân vận động quân khu 7. Mọi công việc đều được tính toán kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ, kể cả việc xuất hiện trước công chúng từ khi đặt chân xuống sân bay, Bi-Rain luôn tạo cho khán giả một cảm giác vừa gần gũi vừa xa cách, vừa thân thiện lại rất khó gần… Kể cả những cái nháy mắt, bĩu môi, lắc đầu hay những nụ cười đều được Bi luyện tập và thực hiện một cách bài bản và cực kỳ hiệu quả. Đặc biệt là phần vũ đạo trong đêm diễn của Bi, điêu luyện và cuốn hút. Bi rất gợi cảm cho dù ăn mặc không hề hở hang, nhưng cơ thể cường tráng và sức khoẻ tốt đã khiến hình ảnh bên ngoài của anh vô cùng hấp dẫn, mà những điều đó, không phải tự nhiên mà có.

Show diễn của Bi với giá vé khá cao so với các show diễn thông thường của các ca sỹ ngôi sao trong nước nhưng vẫn rất đông khán giả đến xem. Điều này cho thấy khán giả đang có những sự lựa chọn rất rõ ràng và họ sẵn sàng bỏ số tiền lớn ra để xem những chương trình mà họ cho là “đáng đồng tiền bát gạo”. Trong xu thế mở cửa như hiện nay, nhiều ca sỹ, nhạc sỹ của nước ngoài sẽ chọn Việt Nam làm “điểm đến” và khán giả sẽ có nhiều cơ hội để được xem những show diễn hoành tráng, chuyên nghiệp… cho dù có thể mua vé giá cao. Như vậy sự “cạnh tranh” giữa ca sỹ trong nước và quốc tế sẽ trở nên quyết liệt, và ai chuyên nghiệp hơn sẽ thu hút khán giả về phía mình. Sự “thắng, thua” ấy sẽ ngày càng rõ rệt, như nhạc sỹ B. đã từng nói vui“nước ngoài họ làm hay như thế, bắt mắt như thế, vậy thì 10 năm nữa, hỏi ai còn xem các show diễn của ca sỹ trong nước…?”. Vâng, chỉ một câu nói vui thôi, nhưng chúng ta không thể không suy nghĩ.

Ngô Bá Lục

Sang trọng, ấm cúng Live show Khánh Hà

Khánh Hà với ca khúc Niềm đau chôn dấu. Ảnh: Bá Lục

(VnMedia)Cả giọng hát lẫn nhan sắc dường như không có tuổi đối với chị. Khánh Hà hát vẫn rất “tình”, thậm chí cảm xúc còn nồng nàn hơn cả tuổi đôi mươi.

Một đêm nhạc đúng nghĩa khi mọi yếu tố phụ trợ chỉ làm tôn thêm giọng hát. “Diva” hải ngoại Khánh Hà đã cuốn người nghe vào mạch cảm xúc được kể bằng âm nhạc, với sự góp giọng của “anh cả” Tuấn Ngọc cùng với ban nhạc New Friend. “Bữa tiệc” âm nhạc này được dàn dựng, “chế biến” bởi bàn tay tài hoa của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền. Vì vậy, Live show Khánh Hà “Nối vòng Việt Nam” chính là câu chuyện âm nhạc ghi đậm dấu ấn của 3 người: Khánh Hà – Tuấn Ngọc – Huỳnh Phúc Điền.

Khánh Hà

Hai bài đầu, Khánh Hà hơi run (theo lời chị tâm sự) nên hát chưa được ổn lắm. Không run sao được khi mà hơn ba mươi năm ca hát, lần đầu chị đứng trên sân khấu Thủ đô Hà Nội, lần đầu được gặp những người Hà Nội bằng xương bằng thịt ngay tại mảnh đất ngàn năm văn hiến. Chị run cũng là điều dễ hiểu.

Rồi chị cũng bắt nhịp được với đêm hát bằng chính những bài “tủ” làm nên tên tuổi Khánh Hà. Từ những Bay đi cánh chim biển (Đức Huy), Sa mạc tình yêu (nhạc Nhật), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong)… đến những bản “tiền chiến” nổi tiếng: Gửi gió cho mây ngàn bay, Tà áo xanh (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), rồi nhạc Trịnh với Chiều một mình qua phố, Phôi pha và đặc biệt là món quà dành riêng cho xứ Tràng An, bài Nhớ mùa thu Hà Nội.

Khánh Hà không những hát rất hay nhạc Việt, chị còn rất thành công với nhạc nước ngoài, những bài hát tiếng Anh, tiếng Pháp và thậm chí là… tiếng Ý. Hàng loạt ca khúc quốc tế được chị chọn hát trong Live show này như: Unchained Melody (Alex North), I will survive (Gloria Gaynor), Besame Mucho (nhạc Pháp), The Prayer (nhạc Ý lời Việt) và đặc biệt là My Way (Frank Sinatra) chị đã thăng hoa cùng với những giai điệu của một ca khúc bất hủ từ những thập niên 60,70 của thế kỷ trước.

Xen kẽ phần biểu diễn là những tâm sự của một người ca sỹ xa xứ. Chị nói chuyện rất chân thành, nhỏ nhẹ mặc dù đôi câu chị không biết diễn đạt bằng tiếng Việt. Khánh Hà hát và trò chuyện, như tâm sự của một người con đi xa trở về nhà. Giọng hát của chị nồng nàn, ấp áp đủ đánh thức trái tim bất kỳ người yêu nhạc khó tính nào có mặt tại khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Ảnh minh họa

Nồng nàn với Bay đi cánh chim biển (Đức Huy). Ảnh Bá Lục

Tuấn Ngọc

Lần thứ 2 đứng trên sân khấu lớn của Hà Nội, anh đã không còn “mắc lỗi” như trong Duyên dáng Việt Nam 17. Tuấn Ngọc rất thoải mái kể lại câu chuyện chép lời bài hát ra tay, nhưng khi ra sân khấu thì đèn tắt và anh đã hát sai lời bài Em ơi Hà Nội phố cách đây hơn nửa năm. Anh một lần nữa xin lỗi nhạc sỹ Phú Quang và xin lỗi khán giả Thủ đô vì sự cố nho nhỏ ấy. Rồi anh hát. Vẫn là Tuấn Ngọc với giọng hát đầy ma lực, lôi cuốn.

Không có Riêng một góc trời, nhưng Tuấn Ngọc lại trình bày những ca khúc mang đậm phong cách Jazz mà anh rất thích. Chính vì vậy, anh đã mời bằng được chàng trai Hà Thành – Kiên sax (Hồng Kiên) để tham gia chơi cùng ban nhạc New Friend. Quả thật, Hồng Kiên đã góp phần làm cho màn biểu diễn với tư cách “khách mời” của Tuấn Ngọc thật sự cuốn hút.

Tuấn Ngọc tâm sự rằng anh tham gia chương trình này với tư cách khách mời và “chỉ hát vài bài rồi… chuồn”. Thế nhưng, phần xuất hiện của anh chiếm đếm gần 1/3 đêm diễn khiến anh cũng trở thành một nhân vật chính. Tuấn Ngọc đơn ca rất hay nhưng càng hay hơn khi cùng song ca với cô em gái Khánh Hà.

Điềm tĩnh và rất lịch lãm, Tuấn Ngọc chinh phục khán giả bằng giọng hát mộc mạc nhưng rất tinh tế của mình. Giọng vẫn khỏe và hát rất “sung”, anh từng nói đùa với khán giả rằng “tôi rất bực mình khi ra Hà Nội hát, nhiều người đồn tôi đã ngoài 60 tuổi. Thực tế là, trong tim tôi lúc nào cũng chỉ 35 tuổi mà thôi”.

Ảnh minh họa

 Khánh Hà sôi động cùng vũ đoàn Sài Gòn qua bài Besame Mucho. Ảnh Bá Lục

Huỳnh Phúc Điền

Nối vòng Việt Nam có lẽ là một Live show mà anh làm khác nhất từ trước đến nay. Giản dị, ấm cúng và sang trọng. Phải hiểu Khánh Hà, Tuấn Ngọc lắm thì Huỳnh Phúc Điền mới làm được một Live show hợp với tính cách và phong cách âm nhạc của Khánh Hà, Tuấn Ngọc như vậy.

Khác với Duyên dáng Việt Nam 17 là sự tổng hợp các sắc thái của Mặt trời. Nối vòng Việt Nam chỉ duy nhất tạo cảm xúc cho Khánh Hà và dẫn dắt khán giả vào một câu chuyện đan xen quá khứ và hiện tại được kể bằng âm nhạc.

Sân khấu được thiết kế đơn gian chỉ bằng 9 màn hình lồi, lõm, to, nhỏ khác nhau. Treo lửng lơ để có thể kéo lên hoặc hạ xuống. Mọi ý đồ hầu như đều được thể hiện bằng những video clip chiếu trên màn hình. Tiết kiệm tối đa múa phụ họa, sử dụng hiệu quả ánh sáng phản chiếu tạo cảm giác mơ hồ, những màn múa solo với đạo cụ là chiếc máy nghe đĩa cổ, hay cô gái múa dưới thác nước tạo cảm xúc trực diện khá mạnh cho khán giả.

Âm thanh trong Live show này thực sự ấn tượng, “rất hay” theo đánh giá của mọi người, nhất là báo chí và giới văn nghệ sỹ có mặt. Lâu, rất lâu rồi mới có một đêm ca nhạc mà âm thanh tuyệt vời đến thế, đủ “phê” mà không ầm ỹ, hát “sống” mà như nghe đĩa, ngay cả Khánh Hà và Tuấn Ngọc cũng phải thừa nhận điều này khi nói lời “cảm ơn” ê kíp thực hiện. Riêng khâu âm thanh, Huỳnh Phúc Điền xứng đáng “ghi điểm 10” trong live show này.

Hơi tiếc vì khán giả giả chỉ chiếm khoảng 2/3 khán phòng Trung tâm hội nghị quốc gia có lẽ bởi giá vé cũng đắt vào hàng top (cao nhất 1,2 triệu/vé), tuy nhiên, nếu ai đã yêu Khánh Hà, Tuấn Ngọc thì thấy họ đã “trả hàng” một sản phẩm xứng đáng với số tiền khán giả bỏ ra. Một đêm nhạc tràn đầy cảm xúc và thật sự khó quên.

Ngô Bá Lục

Đêm Lê Minh Sơn: Đặc sản dành cho khách bình dân

(VnMedia)Một không gian âm nhạc giản dị mà sang trọng, mộc mạc nhưng sâu sắc – Đêm Lê Minh Sơn giống như một bữa tiệc thịnh soạn nhưng dành cho những thực khách bình dân.

Bởi vì, đa phần giá vé chỉ có 100 – 150 ngàn, số ít dành cho “vip” mới chạm tới giá 300 ngàn sát sân khấu, trong khi đêm nhạc quy tụ khá nhiều “sao”: Thanh Lam, Đào An Khánh, Trọng Tấn, Ngọc Khuê, Khánh Linh. Đặc biệt là các chàng trai “chơi” ghi ta cao to, đẹp trai, tài năng xuất hiện cùng cây violin Trịnh Minh Hiền và nhóm nhạc Flamenco mà Lê Minh Sơn là “thủ lĩnh”.

Hai ngày trước Đêm Lê Minh Sơn, vé đã bán hết sạch. Nhiều khán giả muốn đi xem mà không mua được vé dù đã “chạy” khắp các “cửa”. Sự việc này khiến “dân phe vé” nháo nhào, hoạt động hết công suất. Lâu lắm rồi Hà Nội mới có một đêm nhạc mà cánh phe vé làm “náo loạn” trước cửa Nhà hát lớn khiến lực lượng cảnh sát phải liên tục can thiệp. Gần giờ diễn, giá vé đội lên đến… 3 triệu/vé khiến không khí càng sôi lên sùng sục. “Dân phe” lao vào những khán giả đi xem vừa đỗ xe trước cổng nhà hát hỏi… mua vé thay vì ỉ ôi, nài nỉ bán vé như nhiều chương trình khác. Cánh nhà báo được Lê Minh Sơn trực tiếp dẫn vào bằng… cửa sau.

Trong khán phòng, đông nghẹt người, trong đó rất nhiều khán giả nước ngoài, tất cả đều im lặng. Cánh nhiếp ảnh ngồi la liệt dưới đất cạnh sân khấu. Nhóm phóng viên viết bài thì đứng ngồi lố nhố cạnh lối đi. “Người nhà” các nghệ sỹ tham gia cũng phải đứng ôm hoa ở vòng ngoài, thậm chí “diva” Thanh Lam cũng ngồi bệt xuống lối đi xem phần 1 của chương trình khi chị chưa đến lượt tham gia.

Sân khấu bừng sáng, Lê Minh Sơn cùng một dàn các chàng trai “cao to, đẹp trai cao từ 1m75 trở lên” (lời anh) xuất hiện bằng một bản hòa tấu ghita nhạc nước ngoài. Khán giả bị “kích thích” ngay từ tiết mục đầu tiên. Âm nhạc bất ngờ chuyển sang giai điệu của xứ sở “bò tót”, Cô gái Digan cùng với phần phụ họa của diễn viên múa Nguyệt Thu khiến sân khấu càng trở nên sôi động.

Hàng loạt tiết mục hòa tấu ghi ta tiếp theo đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào từ Cảm hứng, Hòa tấu Flamenco và đỉnh điểm là Đẹp với sự xuất hiện cực kỳ ấn tượng của Đào An Khánh. Rất hiếm khi có một đêm nhạc mà khán giả liên tục bị “kích động” bởi chính tài năng của các nghệ sỹ trên sân khấu, và cũng thật sự khó tìm được một đêm nhạc mà khán giả tự nguyện vỗ tay theo nhịp những giai điệu sôi động kèm theo những tiết “hú, hét” đầy phấn khích.

Phần thứ 2 có vẻ “lặng” hơn bằng những ca khúc của Lê Minh Sơn. Nếu như phần 1 là sự thăng hoa của “Sơn Flamenco” – cây ghi ta đình đám Hà Nội một thời, thì phần 2 lại là một “mảng” tâm sự khác của anh – những ca khúc mang âm hưởng dân gian Việt Nam. Nếu phần một Lê Minh Sơn giống như chàng trai trẻ đầy khát vọng, đam mê và sự mãnh mẽ của tuổi trẻ, thì phần 2 chính là sự chiêm nghiệm về cuộc sống, nhìn nhận nhân sinh quan, thế giới quan dưới con mắt của một người đàn ông trưởng thành.

Và hình ảnh Lê Minh Sơn bụi bặm, lãng tử nhưng lại có tâm hồn rất … “nhà quê” được tái hiện. Bắt đầu bằng Chuồn chuồn ớt bình dị, rồi Cặp ba lá nhí nhảnh, dễ thương qua giọng hát Ngọc Khuê. Không có Ôi quê tôi, Bên bờ ao nhà mình nhưng khán giả vẫn cảm nhận được sự trong sáng, bình dị trong những ca khúc đầu tay của anh.

Rồi “chín chắn” hơn với À í a – những trăn trở về sự đổi mới của các làng quê; hay rất nhân hậu, sâu sắc trong Mưa phùn – một sáng tác mới dành cho “họa mi” Khánh Linh. Nồng nàn khát khao trong Trăng lưỡi liềm (Trọng Tấn song ca cùng Thanh Lam), đau đáu, khắc khoải trong Trăng khuyết và đầy cảm xúc khi viết tặng người chị gái đã khuất của mình – Trăng khát.

Ảnh minh họa

 Trịnh Minh Hiền, Lê Minh Sơn cùng dàn nhạc “học trò” của anh trong tiết mục hòa tấu ghita

Ở phần thứ 2, nếu như Ngọc Khuê chính là sự phát hiện của Lê Minh Sơn, và Khuê lại là ca sỹ đầu tiên đem nhạc Lê Minh Sơn đến với đông đảo khán giả thì sự kết hợp với Trọng Tấn thể hiện một bước ngoặt mới trong sáng tác của Sơn – những ca khúc mang hơi hướng semi classic. Đặc biệt là phần “tự biên tự diễn” của chính Lê Minh Sơn với Này em ứ hự – một trong những ca khúc mới nhất và cũng là một mảng màu khác trong bức tranh Lê Minh Sơn – đó là anh tự hát những ca khúc của mình (đã phát hành CD Giếng làng).

Thanh Lam chứng minh sự “độc tôn” của mình trong những ca khúc của Lê Minh Sơn, và cũng chứng minh vị trí “diva số 1” của chị vẫn còn vững vàng lắm. Những ca khúc mà Thanh Lam trình bày có thể coi là “đỉnh cao” trong giai đoạn đầu sáng tác của Lê Minh Sơn.

Chương trình kết thúc bằng một bản hòa tấu ghi ta tưng bừng và sự trình diễn điêu luyện của cây violin Trịnh Minh Hiền. Sơn đã vừa đàn vừa cười cùng những giọt nước mắt xúc động giàn dụa trên mặt. Sơn vẫn vậy, cao to, bụi bặm nhưng… hay khóc. Khán giả đứng hết lên vỗ tay cổ vũ anh, cổ vũ dàn nhạc “cao to đẹp trai” của anh. Và cũng lại là hiện tượng hiếm trong thời buổi này, bởi đã kết thúc màn chào cuối cùng, khán phòng đã sáng đèn mà khán giả… vẫn cứ đứng nguyên tại chỗ hú hét, vỗ tay không chịu ra về, vậy là các nghệ sỹ lại chơi tiếp, đến độ Đào An Khánh “phê quá” đã mặc nguyên quần áo thường, khoác túi và “lên đồng” ngay tại chỗ.

Live show của một nhạc sỹ đã ít, một nhạc sỹ kiêm nhạc công mà lại chơi ghita thì lạ càng hiếm, chính vì vậy Đêm Lê Minh Sơn đã thực sự tạo nên sự quan tâm của đông đảo công chúng Thủ đô – nhất là những người yêu thích tiếng đàn ghi ta. Có thể thấy rằng, phần 1 của chương trình khiến Sơn trở về đúng bản chất con người anh – tài năng, phóng khoáng và đầy đam mê. Anh chơi đàn như nhập đồng, mặt tái nhợt như dồn hết hồn phách vào phím đàn, vào những giai điệu khi réo rắt, lúc dồn dập như bão tố. Sự phối hợp ăn ý của “thày” Lê Minh Sơn với các học trò khiến cho phần hòa tấu tạo được một không gian âm nhạc đầy sắc màu với những trạng thái cảm xúc vô cùng phong phú.

Không quá lời khi nói rằng, Đêm Lê Minh Sơn chính là một bữa tiệc thịnh soạn với đặc sản là những món “quà quê” từng gắn chặt với văn hóa truyền thống của người Bắc Bộ, nhưng lại dành cho thực khách bình dân. Trong tình trạng bão hòa của các sô ca nhạc thì Đêm Lê Minh Sơn chính là cách góp phần vực dậy một show biz đang hồi uể oải như hiện nay.

Bài, ảnh: Ngô Bá Lục

 

Đêm Lê Minh Sơn

Buôn chuyện cùng Sao

dsc_0099.jpg

Thu Huyền và Tấn Minh

(VnMedia)Các sao ca nhạc có vô vàn những câu chuyện cười ra nước mắt mỗi khi xuất hiện trước công chúng, cũng như biểu diễn trên sân khấu. Họ luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các “fan”, nhưng đôi khi cũng có nhiều chuyện bi hài.


 “Chuyện của Hoàng tử V pop”

Trong dịp vào Nha Trang diễn “Sao mai hát giữa biển trời”, chàng Hoàng tử Vpop rất hay đi tắm biển. Cả “lớp” Sao Mai điểm hẹn cứ trêu là tắm biển nhiều cho nó ngấm i-ốt, mai kia thông minh nhất lớp. Người hay trêu nhất là Ngọc Anh, Mai Trang và Hồng Phương. Tuy nhiên, sự thật là Hoàng Hải rất khoái đi bơi nên cứ sểnh ra là chàng cởi quần áo “tùm” xuống biển. Dân Hà Nội không có nhiều hồ nước, đã thế biển Nha Trang lại quá đẹp nên anh chàng công tử này không bỏ lỡ cơ hội được đắm mình dưới làn nước mát.Cũng trong chuyến biểu diễn đó, Hoàng Hải được rất nhiều các bạn học sinh Nha Trang níu lại chụp hình và xin chứ ký mỗi khi ra đường. Thế nhưng ngược lại, có những bạn trẻ chẳng biết Hoàng Hải là ai.Chuyện là, có một buổi tối Hải và mấy người bạn rủ nhau đi xe đạp đôi trên phố biển Nha Trang. Đang đi thì gặp 2 chiếc xe đạp chở hai đôi bạn gái rất trẻ và dễ thương. Vốn rất mê gái đẹp, Hoàng Hải cố đạp thật nhanh để kịp hai chiếc xe kia. Khi đạp song song, Hoàng Hải trổ ngón tán gái ra “líu lo” rất ác liệt, tuy nhiên 4 cô gái kia bắt chuyện rất nhát gừng. Anh bạn đi cùng xe Hoàng Hải bảo “các bạn có nhận ra ai đây không?”. “Dạ không ạ, thấy quen quen thôi chứ không biết là ai”. “Thế các bạn không xem Sao Mai điểm hẹn à?”, “À, Sao Mai điểm hẹn hả? Thế thì là Hà Anh Tuấn rồi, nhưng công nhận bên ngoài anh Tuấn đẹp trai và mập hơn trên sân khấu, lại không đeo kính nên không nhận ra”. Nói rồi 4 cô gái rướn người phóng xe vọt lên phía trước bỏ lại những tràng cười lảnh lót giữa phố đêm vắng vẻ. Nhóm Hoàng Hải cũng ôm bụng cười vì sự nhầm lẫn rất dễ thương của mấy bạn gái đó.

 Lê Dũng: Bị công an tuýt còi vì… ăn mặc bóng bẩy Lê Dũng – ca sỹ trẻ của công ty Nhạc Xanh, cựu thành viên boyband GMC từng một thời đình đám tại Sài Gòn có một kỷ niệm không bao giờ quên. Hồi đó nhóm rất đắt sô nên lịch diễn luôn sít sao về thời gian. Có một lần diễn ở hai đầu thành phố lại sát giờ nhau nên cả nhóm quáng quàng kêu taxi để phi đến điểm diễn khác. Tới ngã tư Hàng Xanh vì tắc đường nên Dũng đành ra khỏi taxi chạy qua quãng đường tắc đó. Nhưng hiềm nỗi, đang mặc đồ diễn rất diêm dúa và bóng bẩy nên dân tình xúm lại xem có phải người ngoài hành tinh không, khiến cho quãng đường càng thêm tắc. Lúc đó, vừa vội, vừa bực, vừa lo, vừa xấu hổ…. Lê Dũng cắm đầu….chạy. Nhưng chưa kịp lách khỏi đám đông thì thấy mấy chú công an tuýt còi ầm ĩ. Vào trong “bốt” giải trình mà lòng như lửa đốt, giải thích mãi mấy chú công an mới tha và còn “cảnh cáo”: Lần sau cấm ăn mặc kiểu “kinh dị” thế này ra đường nhé!

Khánh Ngọc – Nhật Tinh Anh : “Khóc” vì Vầng trăng khóc

 Ảnh minh họa

 Nhật Tinh Anh – Khánh Ngọc (ảnh nghệ sỹ cung cấp)

Đã trải qua 3 năm mà ca khúc Vầng trăng khóc vẫn đang là “hit” của cặp đôi trai tài gái sắc này. Khánh Ngọc kể rằng đến thời điểm này, đi diễn ở tỉnh nào thì khán giả vẫn yêu cầu hát Vầng trăng khóc, chỉ cần nhạc dạo nổi lên là tiếng vỗ tay, hú hét của khán giả đã rất “sung” rồi. Nhưng khán giả bây giờ dễ thương hơn vì ngày trước chỉ yêu cầu ca sỹ hát, còn bây giờ là đòi hát cũng ca sỹ. Có lần diễn ở Hải Dương, một bạn gái nhào lên sân khấu tặng hoa Nhật Tinh Anh, xong rồi bất thần quay sang giật micro trên tay Khánh Ngọc và… hồn nhiên hát song ca cũng thần tượng của mình khiến Khánh Ngọc chỉ còn biết đứng tại chỗ, vỗ tay và… cười trừ. Chưa hết, khi mà Khánh Ngọc chưa hoàn hồn, thì cô gái ấy lại bất thần giật nốt micro của Nhật Tinh Anh và đưa cho cậu bạn cũng là fan vừa từ phía dưới lọt được vòng kiểm soát của cảnh vệ lao lên sân khấu, thế là hai ngôi sao đành đứng chết trân chứng kiến đôi song ca khán giả hồn nhiên hát Vầng trăng khóc một cách… ngon lành. Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc sau vài giây bất ngờ thì cũng hoàn hồn và đứng vỗ tay cổ vũ rất nồng nhiệt cho hai fan quá khích của mình. Sau đêm diễn, cả đoàn trêu Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc rằng hôm nay đúng là khóc dở, mếu dở với Vầng trăng khóc. Nhưng với họ, đó lại là một trong những kỷ niệm nhớ đời nhất của cặp song ca nổi tiếng này.

Huyền “Chèo”: Xa không khóc, gần lại dàn dụa nước mắt

Nổi tiếng trên sân khấu Chèo và cũng nổi tiếng là nghệ sỹ hàng “sao” mà rất nhiệt tình đi diễn ở vùng sâu vùng xa, Huyền “chèo” vừa có chuyến công tác tại đảo Trường Sa gần chục ngày với rất nhiều kỷ niệm. Huyền kể rằng trên tàu ra đảo, anh em nghệ sỹ hầu như ai cũng say sóng, riêng Huyền không say. Phần vì rất háo hức đi ra đảo, phần vì cô hát suốt chuyến đi nên cuối cùng “tỉnh như sáo” cho đến khi đặt chân đến Trường Sa. Đến nơi cứ chỗ nào các chiến sỹ yêu cầu là Huyền hát luôn. Từ chèo đến dân ca, thậm chí hát cả nhạc mới mà không hề thấy ngượng ngập gì hết. Huyền là thế, lúc nào cũng muốn chia sẻ một chút gì đó với các chiến sỹ ngoài đảo xa. Ở trên đảo Đá Lát, khi Huyền hát cho các chiến sỹ bài Quê hương (Giáp Văn Thạch) nhiều người xúc động vì nhớ nhà rơm rớm nước mắt nhưng Huyền thì cố gắng không khóc, bởi mình mà khóc thì không khí sẽ rất nặng nề. Hết bài Quê hương, Huyền chuyển ngay sang “tủ” của mình là trích đoạn “Thị Màu lên chùa” làm anh em cười nghiêng ngả. Những bông hoa mà chiến sỹ tặng Huyền được làm bằng cành san hô và những con ốc nhuộm màu sặc sỡ, điều đó là cô vô cùng ngạc nhiên vì những tài lẻ của các chiến sỹ. Huyền còn tranh thủ hát tặng những chiến sỹ không có điều kiện tập trung tại hội trường mà phải làm nhiệm vụ, một người hát và chỉ một người nghe mà cảm thấy hạnh phúc dâng tràn. Suốt những ngày ở Trường Sa, lúc nào Huyền cũng vui vẻ và tươi cười, khi chia tay, có một anh lính trẻ măng dúi vào tay Huyền bông hồng làm bằng vỏ ốc và một lá thư, nói rằng về đất liền hãy mở ra đọc. Đặt chân lên đất liền, Huyền bèn mở lá thư đó ra và nước mắt dàn dụa theo những con chữ nắn nót “Em chưa bao giờ nghe Chèo và chưa từng biết chị. Thật tình cờ được gặp chị ở đây, lại được chị hát trực tiếp cho riêng mình em nghe, đó là món quà vô giá mà em nhận được ở nơi đầu sóng ngọn gió này, và lần đầu tiên em nghe chèo và thấy rằng nó hay đến thế. Ngày mai chị về rồi, em rất nhớ giọng hát và ánh mắt của chị, và em rất nhớ mẹ em vì bà ấy cũng là một người rất yêu chèo. Và em hiểu, tại sao mẹ em lại yêu, say chèo đến thế. Cảm ơn chị đã giúp em thêm hiểu mẹ em hơn”.

Hải Vũ

Câu chuyện "hậu Ngôi sao"

ee68.jpg

(VnMedia) Khi ánh hào quang kết thúc, các ca sỹ trẻ bước ra từ những cuộc thi hát phải đối mặt với một thực tế, đó là làm thế nào để trở thành một ngôi sao thực thụ.

Từ một người vô danh, bỗng qua một đêm trở thành nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ, và trên thực tế, điều đó đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, đằng sau cái hào quang ấy là cả một con đường phía trước, rất dài và cũng lắm chông gai. Và, một “ngôi sao” chỉ có thể tỏa sáng khi họ biết mình đang ở đâu và xác định rõ con đường của mình sẽ đi như thế nào.

Những “ngôi sao” vụt tắt

Lóe sáng ở một cuộc thi rồi… tắt lịm là chuyện không hiếm ở các cuộc thi hát. Nhà tổ chức thường chỉ tạo ra một cuộc thi, một sân chơi tìm kiếm tài năng, tạo điều kiện và cơ hội cho những bạn trẻ đam mê ca hát thực hiện khát vọng “sao”, nhưng kết thúc cuộc thi cũng là lúc chấm dứt những “hợp đồng”, những ràng buộc và cả… trách nhiệm, có chăng cũng chỉ là “luật bất thành văn”. Cho nên, các “ngôi sao ngày mới” thường được hoặc là “bị” thả nổi, mang trên mình cái danh hiệu “giải nhất” bước vào làng showbiz Việt hoặc bất ngờ… quẹo sang đường khác.

Một số “ngôi sao” bước vào showbiz, cứ ngỡ mình được giải nhất cuộc thi hát này, giải nhì của sân chơi kia… là tự cho mình quyền… luôn nhìn xuống. Gặp ca sỹ “đàn anh” thì khỏi phải chào hỏi, gặp ngay cả giám khảo từng hạ bút chấm cho mình cũng coi như không biết, chào hỏi làm chi cho mệt. Hét giá cát xê “trên trời”, từ vị trí một ca sỹ hát lót cát xê 50 ngàn, sau đêm đăng quang là có quyền hét gấp… 100 lần, thậm chí có “sao” còn lên giá cả chục triệu khi… đi tỉnh.

Vừa đăng quang, tên tuổi còn “nóng hổi”, “sao” được các nhà đài thi nhau mời, các nhãn hàng cũng đua chen “mua” hình ảnh để làm quảng cáo – nhất là những “ngôi sao” dành cho tuổi teen thì lại càng “đắt giá”. Bởi vậy, các “sao” tìm mọi cách thu lợi nhuận về cho mình. Hình ảnh trên báo à? Mười triệu nhé! Quay hình quảng cáo à? Năm ngàn đô mới quay nha! Trò chuyện với thính giả của Radio à? Đợi đi, em còn make up, thính giả họ cần em, nên kiểu gì họ chả ngồi chầu trực radio để nghe em trò chuyện, làm sao mà phải vội vàng… Các “sao” cứ tự cho mình những quyền như thế và coi nó là chuyện… đương nhiên.

Vậy là, bầu sô mời một hai lần rồi họ cũng chán. Nhà đài bị “phốt” vì lỡ hẹn với khán giả thì quay sang “phát xít” luôn. Khán giả thì họ chỉ tò mò lúc đầu, sau rồi thấy cũng bình thường có gì mà ghê gớm lắm đâu nên cũng chẳng quan tâm nữa. Các “sao” lúc ấy bắt đầu cảm thấy “không ổn”, bắt đầu “xuống nước” thì đã muộn, lại một lứa “sao” khác bước ra từ hàng loạt cuộc thi khác, cũng súng sính áo quần, cũng lấp lánh đăng quang và nghiễm nhiên họ trở thành những “ngôi sao mới” “đè bẹp” những tên tuổi đã trở nên cũ kỹ.

Có những “ngôi sao” khác thì bất ngờ rẽ sang đường khác dù được kỳ vọng rất nhiều. “Em tham gia cuộc thi hát này chỉ là thử sức mình, với lại cũng cho nó thỏa mãn đam mê, chứ em sẽ vẫn theo nghề giáo, em yêu nghề giáo viên lắm”, không ít “ngôi sao” thốt lên như vậy sau khi đăng quang. Ơ! Đây là một cuộc thi hát, một sân chơi tìm kiếm tài năng âm nhạc để “bổ sung vào lực lượng ca sỹ nước nhà” – nhiều cuộc thi hát đưa ra những mục đích như vậy cơ mà, vậy thì anh đoạt giải, anh là “tài năng” được phát hiện, anh phải đi theo nghề ca hát để phục vụ khán giả, những người đã yêu mến, nhắn tin bình chọn ủng hộ anh chứ. Xa hơn, anh còn phải làm tròn sứ mệnh của một “giải nhất” chứ, một cuộc thi hát bỏ ra tiền tỷ tổ chức, không phải để cho anh đoạt giải rồi quay về… dạy học được.

Tìm một hướng đi đúng

Tuy nhiên, cũng có những ca sỹ thành danh sau các cuộc thi hát, ở họ ngoài tài năng bẩm sinh còn là một trái tim đam mê nghệ thuật và một “cái đầu” thông minh, biết xác định “vị trí” của mình và tìm ra một con đường đi phù hợp.

Hồ Quỳnh Hương là một ví dụ, cho dù còn nhiều tranh cãi thì không ai phủ nhận rằng cô đã thành công với vị trí một ngôi sao giải trí. Từng đoạt giải Tài năng trẻ Sao Mai 1999, giải Nhất THTH Hà Nội 2002, Hồ Quỳnh Hương xác định cho mình ngay từ đầu sẽ là một ca sỹ chuyên nghiệp. Cô vào học thanh nhạc tại trường ĐH VHNT quân đội rồi tốt nghiệp “thủ khoa”, rời Hà Nội vào Sài Gòn chinh phục mảnh đất được coi là “thánh đường nhạc nhẹ” và cô đã trở thành một ca sỹ được khán giả cả nước mến mộ.

Tùng Dương, Ngọc Khuê cũng vậy. Bước ra từ những cuộc thi hát nhưng họ không “mắc bệnh” ngôi sao. Ngay sau khi đăng quang, cát xê của họ vẫn chỉ dừng lại ở con số vài trăm ngàn, và họ vui vẻ hát một cách tự nguyện, hết mình. Họ tham gia các sô diễn miễn phí dành cho sinh viên, họ nhiệt tình tỉnh, đi đảo, đi biên giới hát phục vụ đồng bào, chiến sỹ… Họ luôn chiếm được cảm tình của khán giả, được “nhà đài” mến phục, được bầu sô hài lòng… họ liên tục được xuất hiện ở các sô diễn lớn, khoảng cách giữa họ đối với khán giả vì thế mà gần hơn, tên tuổi của họ được khán giả ghi nhớ hơn.

Có những ca sỹ khác xây dựng cho mình một chiến lược cụ thể. Đầu tư làm đĩa, xây dựng hình ảnh phù hợp với đối tượng khán giả, chiến dịch truyền thông được thực hiện một cách chuyên nghiệp như Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn – Phương Linh… Họ còn trẻ nhưng đã tỏ ra là những ca sỹ “biết mình, biết người”, nhận thức rõ điểm yếu cũng như thế mạnh của mình để có thể điều chỉnh cho phù hợp, tạo tiền đề cho con đường lâu dài phía trước.

Một cuộc thi hát chỉ đơn giản là cuộc tuyển chọn giọng ca cấp 1, sau đó mới là con đường dài. Ai “khỏe” mới có thể tồn tại. Mà muốn có một thể lực tốt để chạy “ma ra tông” với nghề thì bất kỳ một ca sỹ nào cũng cần phải có cả tài năng, nhân cách và tri thức – chỉ có như thế, họ mới “lấp lánh” trên bầu trời ca nhạc với tư cách là một ngôi sao đúng nghĩa được.

Tùng Huy

Link bài này

Đêm của Sơn sẽ có mặt Thanh Lam – Đào An Khánh

images973793_leminhson.jpg

(VnMedia) – “Đêm của Sơn” với sự xuất hiện của Thanh Lam, Đào Anh Khánh, Trọng Tấn, Sao Mai Hà Linh và dàn nhạc 10 cây ghi ta sẽ diễn ra đêm 11/8 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Sau cú “lừa” của nhà tổ chức bởi sự “ngây thơ” của gã trai làng, Lê Minh Sơn tự tay làm tất cả mọi thứ “từ A đến Z” cho liveshow đầu tiên của mình. “Đêm của Sơn” sẽ không có nhà tài trợ nào cả bởi theo anh, “không phải tôi kém đến mức không mời được tài trợ mà là nếu tài trợ sẽ có truyền hình trực tiếp, kéo theo quảng cáo xen kẽ… như vậy nó sẽ cắt nát chương trình, mà tôi thì muốn đêm nhạc này phải “liên tục” để tạo cảm xúc cho khán giả xuyên suốt từ đầu tới cuối”.

“Đêm của Sơn” sẽ gồm 3 phần. Phần đầu tiên là hòa tấu ghi ta với sự tham gia của các học trò từng được Lê Minh Sơn dạy đàn trong vòng 10 năm trở lại đây trong đó có Nguyễn Xuân Thịnh vừa đi du học tại Pháp về và được anh đánh giá rất cao. Sơn bảo, ban nhạc này không những “chơi” rất hay mà còn “cực đẹp trai”, gợi cảm. Tại sao các khán giả nam được quyền đi xem các nữ diễn viên sexy, gợi cảm trên sân khấu mà các khán giả nữ lại không được quyền đó? Sexy của nhóm nhạc này không có nghĩa là phải ăn mặc hở hang, mát mẻ mà nó là sự hấp dẫn toát lên từ tài năng và vẻ đẹp hình thức cho dù trang phục thuộc diện “kín cổng cao tường”.Phần hòa tấu sẽ gợi lại cho những khán giả yêu ghi ta một hình ảnh “Sơn Flamenco” từng nổi tiếng một thời với những bản nhạc nổi tiếng cùng những sáng tác của anh. Đặc biệt cây violon xuất sắc Trịnh Minh Hiền sẽ tham gia vào phần hòa tấu này.Phần thứ hai là những ca khúc nổi tiếng của Lê Minh Sơn như Bên bờ ao nhà mình, Chuồn chuồn ớt, Cặp ba lá, Ôi quê tôi, Nắng lên…. Phần này có lẽ được khán giả đón chờ hơn cả. Trước khi bắt tay “lên kịch bản”, Lê Minh Sơn đã nói với báo giới là không có Thanh Lam (vì lúc đó Lam đã có hợp đồng biểu diễn ở Mỹ). Nhưng vì “tình bạn” chị đã hủy 2 show diễn này để ở lại tham gia “Đêm của Sơn”. Sơn nói rằng anh rất vui vì có những người bạn hiểu mình, “bạn thân phải là người biết chia sẻ những lúc khó khăn nhất”. Trọng Tấn, Ngọc Khuê sẽ tham gia trình diễn phần thứ hai này.

Hơi tiếc vì Tùng Dương không thể hủy được hợp đồng biểu diễn ở nước ngoài đã ký nên sẽ không tham gia được, thay vào đó là một gương mặt mới rất trẻ Ngọc Minh – một giọng ca khá ấn tượng từng tham gia VietNam Idol. Minh sẽ vừa đàn piano vừa hát một số ca khúc Jazz của Lê Minh Sơn.Những dự định trong tương lai sẽ là nội dung của phần 3. Đây sẽ là một trong những hướng đi sắp tới của Lê Minh Sơn mà việc kết hợp giữa âm nhạc, hội hoạ và… tâm linh là một trong những “món ăn” lạ của anh. Hà Linh – ca sỹ vừa đoạt giải nhất nhạc nhẹ tại Sao Mai 2007 sẽ là gương mặt xuất hiện trong phần 3 này. Sẽ có màn Hà Linh hát, Trịnh Minh Hiền đệm violon và Đào Anh Khánh… nhảy múa. Lê Minh Sơn là người xuất hiện từ đầu đến cuối chương trình với nhiều tư cách: nhạc công, nhạc sỹ, ca sỹ , MC (sử dụng ngôn ngữ dẫn dắt bằng chính cây ghi ta của anh). Một số tiết mục khác cũng sẽ gây ấn tượng như Thanh Lam hát Nắng lên được phối khí bằng tiếng… vỗ tay, Lê Minh Sơn vừa đàn vừa hát bài “Đồ cũ, đồ cổ”, Hà Linh và Đào An Khánh với “Nứng hự”….

“Tôi làm liveshow này là vì Hà Nội quá ít các đêm nhạc, đêm của các nhạc sỹ thì lại vô cùng hiếm. Mà tôi làm là làm thật chứ không phải cuộc chơi. Với tôi, chơi thoải mái nhưng đã làm thì phải nghiêm túc” – Lê Minh Sơn tâm sự. Anh bảo không dám làm ở sân khấu lớn vì sợ ít người đến xem, anh nói vui rằng có khi phải chuẩn bị khoảng 200 người làm “khán giả dự bị” để nếu như đến giờ diễn rồi mà không có khán giả thì sẽ đưa họ vào, chứ diễn mà không có khán giả thì diễn sao được. Thực ra đó chỉ là những câu tếu táo rất… Lê Minh Sơn, chứ liveshow này chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm rất lớn của khán giả Thủ đô bởi sự xuất hiện của một dàn sao “xịn” Thanh Lam, Trọng Tấn, Ngọc Khuê, Hà Linh, Đào Anh Khánh cùng với giá vé khá hợp lý (từ 150 đến 300 ngàn/vé). Sau Hà Nội, “Đêm của Sơn” sẽ diễn ra tại nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh vào đêm 25/9/2007.

Ngô Bá Lục

Link bài này

Xúc động cùng Câu chuyện ngày xưa của NS Nguyễn Đức Toàn

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn

(VnMedia) – Hình ảnh người nhạc sỹ già bước lên sân khấu tặng hoa cho những ca sỹ trẻ là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Con đường âm nhạc tối qua.
Xúc động là vì đã 79 tuổi, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn vẫn không dưới hai lần đích thân cầm hoa lên sân khấu tặng cho những ca sỹ trẻ hát xuất sắc bài của ông. Xúc động là bởi những câu chuyện ông kể thật sự chân thành pha chút dí dỏm và lạc quan của một người đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Xúc động khi được nghe lại hàng loạt ca khúc nổi tiếng một thời và có sức sống mãnh liệt như Quê em, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Đảng là cuộc sống của tôi, Hà Nội ơi một trái tim hồng… chính vì vậy mà Con đường âm nhạc với chủ đề Câu chuyện ngày xưa của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn được đánh giá là một đêm nhạc đầy ý nghĩa và đáng trân trọng.
Bỏ qua tất cả những thứ “phụ kiện” cho một show diễn, không múa minh họa, không cầu kỳ trong cách nói chuyện của MC nhưng Câu chuyện ngày xưa lại chinh phục khán giả bởi những giá trị âm nhạc đích thực được truyển tải một cách trực diện, dung dị nhưng trang trọng.
Khá hài hước và dí dỏm trong từng câu chuyện, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn gây ấn tượng mạnh với khán giả qua những phần trò chuyện. Khán giả đã hiểu hơn về xuất sứ những ca khúc nổi tiếng của ông, về tình cảm ông dành cho Hà Nội, dành cho những người đồng đội và dành cho những chiến sỹ cách mạng đã hy sinh anh dũng cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Khán giả cũng biết hơn về một Nguyễn Đức Toàn khi không sáng tác ca khúc, ông từng theo học Cao đẳng mỹ thuật để nuôi mộng họa sỹ, rồi làm diễn viên kịch, thậm chí là người dẫn chương trình trong một số chương trình mà Bác Hồ là khán giả ngồi xem. Từng là lãnh đạo đoàn văn công Việt Bắc rồi đoàn nghệ thuật Tổng cục chính trị nên ông nói khá nhiều về những kỷ niệm thời chiến tranh, những trăn trở về âm nhạc đương đại. Đặc biệt, ở mảng ca khúc trữ tình, ông thể hiện mình là một chàng trai rất lãng mạn qua những ca khúc ông sáng tác từ cách đây mấy chục năm cũng như những bài hát mới nhất.
Câu chuyện ngày xưa mang đến cho khán giả những ca khúc từng ăn sâu trong tiềm thức người yêu nhạc như Quê em, Chiều trên bến cảng, Mời anh đến thăm quê tôi, Lúa mới… qua những giọng hát trẻ mà hầu hết được sinh ra trong thời kỳ hòa bình.

Ảnh minh họa

Trọng Tấn và Lan Anh song ca bài Biển muôn đời vẫn thế

Ngoài NSƯT Mạnh Hưng từng gắn bó với những ca khúc viết về chiến tranh và đã tham gia biểu diễn cho các chiến sỹ thời chiến thì những ca sỹ còn lại đều là những gương mặt trẻ trung. Trọng Tấn hào sảng trong Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương nhưng lại vô cùng tình tứ khi hát Khâu áo gửi người chiến sỹ. Lan Anh lảnh lót, trong vắt như dòng suối qua ca khúc Lúa mới, Biển muôn đời vẫn thế (song ca). Anh Thơ dịu ngọt, xúc động với Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Tình em biển cả. Phương Nga gây ấn tượng với danh hiệu giải nhất Sao Mai 2001 khi hát Đảng là cuộc sống của tôi. Đặc biệt Tấn Minh đã hát cực kỳ thành công ca khúc “chủ đề” của chương trình, bài Câu chuyện tình yêu – một trong những sáng tác gần đây nhất của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn.
Đức Tuấn – một ngôi sao dòng “nhạc xưa” đến từ Sài Gòn, hát hai ca khúc rất nổi tiếng là Chiều trên bến cảngMời anh đến thăm quê tôi. Tuấn hát sạch sẽ nhưng thực sự là “thiếu muối”. Đúng là Chiều trên bến cảng dường như chỉ dành riêng cho Ngọc Tân, vì cho tới nay chưa ai có thể hát bài này hay hơn anh.
MC Lê Anh “kế nhiệm” Phan Huyền Thư khi chị hết hợp đồng với “nhà đài”, anh đã hoàn thành nhiệm vụ và có vẻ khá phù hợp với chương trình này. Lê Anh rất khôn ngoan khi biết kiệm lời và gần như dành toàn bộ thời gian cho “nhân vật chính” trò chuyện với khán giả. Cũng vẫn còn có vài hạt sạn, nhưng thực sự Lê Anh đã mang đến cho khán giả một luồng gió mới khá dễ chịu.

Bài, ảnh: Tùng Huy

Chuyện về những chiếc “tủ” trong làng nhạc cách mạng VN

NSND Thanh Hoa.

(VnMedia)Đúng dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam, nghe lại Bài ca thống nhất của nhạc sỹ Võ Văn Di do NSND Thu Hiền trình bày, thấy thêm yêu đất nước, và ngưỡng mộ những giọng ca đã từng gắn bó với những ca khúc “đi cùng năm tháng” có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng.

Có thể kể đến rất nhiều ca khúc “tủ” gắn liền với các ca sỹ. Những ca khúc này thường gắn bó rất bền lâu với những ca sỹ đã thổi hồn vào tác phẩm và đưa đến khán, thính giả những cảm xúc thăng hoa. Cùng với nó, dòng nhạc mà những ca sỹ này theo đuổi cũng chính là “máu thịt” của họ, và họ luôn trung thành và “sống chết” với dòng nhạc đó mà không bao giờ có ý định thay đổi.

NSND Thu Hiền năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng mỗi lần chị xuất hiện, khán giả vẫn xốn xang cảm giác chờ đợi giọng hát ngọt ngào của chị cất lên. Từ những bài hát làm nên tên tuổi chị như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Quảng Bình quê ta ơi, Rặng Trâm Bầu, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Bài ca thống nhất… đến những ca khúc mới như Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê… đều được chị thể hiện tràn đầy cảm xúc bằng giọng ca ngọt ngào đằm thắm. Giọng Thu Hiền gắn chặt âm hưởng dân ca mà nếu như chị có hát nhạc gì thì giọng luyến láy và cái “e” dân ca của chị cũng sẽ lồ lộ ra không thể che lấp được. Và chị cũng là ca sỹ có nhiều bài “tủ” nhất ở dòng nhạc dân gian. Chính vì thế, chị đã chỉ hát dòng dân ca từ ngày đầu ca hát cho đến đến tận bây giờ chị vẫn là ngôi sao số 1 của dòng nhạc này.

Cũng giống như NSND Thu Hiền, “Người đàn bà hát” – NSND Thanh Hoa cũng trung thành với những giai điệu trữ tình quê hương bởi giọng hát bẩm sinh ngọt ngào của chị. Hàng loạt ca khúc mang âm hưởng dân ca được chị trình bày rất thành công và trở thành “tủ” của chị như Em chọn lối này, Bác Hồ một tình yêu bao la, Giữa Mạc tư khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Tình yêu trên dòng sông Quan họ, Tàu anh qua núi, Mùa xuân làng lúa làng hoa… “Tân tiến” hơn đồng nghiệp Thu Hiền, thỉnh thoảng Thanh Hoa cũng “lấn sân” sang dòng nhạc mới và cũng khá thành công với hàng loạt ca khúc như Nơi gặp gỡ của tình yêu, Tâm hồn, Dang dở… nhưng đó cũng chỉ là những nét chấm phá trong bản nhạc dân ca mà giọng hát của chị đã vẽ nên từ những ngày đầu bước chân vào con đường nghệ thuật.

Ngược thời gian xa hơn chút nữa, có thể kể đến Tân Nhân với ca khúc Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Đây là ca khúc gắn chặt với tên tuổi chị mà cho dù đã có khá nhiều nữ ca sỹ khác trình bày ca khúc này thì người ta vẫn không thể nào quên được giọng ca Tân Nhân. Phải đến hơn 20 năm sau, Anh Thơ – một phát hiện của dòng nhạc dân gian trong đời sống đương đại – mới thể hiện ca khúc Xa khơi một cách hoàn hảo nhất, được giới chuyên môn đánh giá “ngang cơ” với Tân Nhân, và khán giả mới lại thấy một Xa khơi đẹp như bức tranh qua sự khám phá của một ca sỹ trẻ mang trong mình dòng chảy hối hả của nhịp sống hiện đại. Và cũng giống như Tân Nhân của 20 năm về trước, Xa khơi nghiễm nhiên trở thành một trong những ca khúc “tủ” của ca sỹ Anh Thơ.

Nhắc đến NSND Tường Vy thì người ta nghĩ ngay đến Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta lư, Phi đội ta xuất kích, Bóng cây Kơ nia… Giọng hát cao vút đầy kỹ thuật với làn hơi khoẻ và cảm xúc luôn tràn đầy, Tường Vy được ví như “tiếng chim của rừng đại ngàn” và chính giọng hát của bà đã làm lay động bao nhiêu trái tim chiến sỹ trên chiến trường, xua tan những mệt nhọc của những anh công nhân trên công trường lao động và của rất nhiều tầng lớp khán giả. Đã 69 tuổi nhưng NSND Tường Vy vẫn rất khoẻ mạnh và dù không đứng trên các sân khấu ca nhạc thường xuyên mà lui về làm công tác từ thiện, nhưng mỗi lần có dịp, khán giả lại được thưởng thức “tiếng chim rừng đại ngàn” cho dù không còn mạnh mẽ nhưng vẫn lảnh lót đánh thức nhiều trái tim yêu nhạc.

Sẽ thật thiếu sót nếu như không kể tên NSND Thanh Huyền, một giọng ca trữ tình, mượt mà đậm chất dân ca Bắc Bộ. Thanh Huyền từng nổi tiếng với hàng loạt ca khúc dân ca như Bèo dạt mây trôi, Người ở đừng về, Xe chỉ luồn kim… và những ca khúc tân nhạc như Mẹ yêu con, Đường cày đảm đang, Khi thành phố lên đèn… và đặc biệt là ca khúc Hát ru của nhạc sỹ Hoàng Vân. Thanh Huyền đã từng nhiều lần được biểu diễn trực tiếp cho Bác Hồ xem và trở thành giọng hát “ngôi sao” trong suốt thập niên 60-70 làm say đắm biết bao trái tim người yêu nhạc.

Cùng với những nghệ sỹ kể trên, còn có rất nhiều những ca sỹ đã gắn tên tuổi của mình với những ca khúc có sức sống bền lâu như NSND Quốc Hương với Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Bình Trị Thiên khói lửa, Tôi người lái xe, Hà Tây quê lụa… hay như NSƯT Bích Liên – giọng hát trong trẻo từng nổi tiếng với những bài hát Người là niềm tin tất thắng, Tự nguyện, Bài ca năm tấn, Em đứng giữa giảng đường hôm nay… và hàng loạt những giọng hát khác, những ca sỹ này đã thể hiện những ca khúc làm say đắm lòng người qua nhiều thế hệ. Chính họ đã góp một phần không nhỏ vào thành công của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Bài, ảnh: Ngô Bá Lục

Sự khởi sắc của âm nhạc dân gian

Nhạc sỹ Lê Minh Sơn. Ảnh: Bá Lục

(Tạp chí truyền hình HN) – Vài năm trở lại đây, dòng nhạc dân gian được “hâm nóng” lại sau một thời gian hơn mười năm bị thị trường nhạc nhẹ lấn át. Nó thật sự đã trở thành một mối quan tâm không chỉ với nhạc sỹ, ca sỹ mà cả người nghe.

Suốt những năm của thập niên 90, dòng nhạc nhẹ lên ngôi với hàng loạt các ngôi sao ca nhạc thuộc phong cách Pop. Cùng với nó, làn sóng nhạc Hoa, nhạc Hàn rồi Hiphop, R&B được du nhập một cách nhanh chóng và khá phổ biến trên các sân khấu biểu diễn. Hàng loạt nhạc sỹ trẻ thành danh bởi những ca khúc thuộc dạng này, kéo theo những “ngôi sao” ca nhạc cùng trào lưu.

Song song với thị trường nhạc nhẹ sôi động ấy, dòng nhạc dân gian vẫn lặng lẽ như mạch nguồn tuôn chảy, dù không “ầm ĩ”, không “sôi động” nhưng nó vẫn cứ tồn tại và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Còn nhớ dạo ấy, những “Mái đình làng biển” (Nguyễn Cường), Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương) hay những ca khúc mang đậm chất dân ca Tây Nguyên hoặc những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ được các nhạc sỹ quan tâm sáng tác, và khán giả bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Y Moan, SiuBlack, Đình Văn, Quang Linh, Cẩm Ly…

Bước vào những năm 2000, cùng với cuộc thi “Sao Mai” của Truyền hình Việt Nam, dòng nhạc dân gian đã được tách riêng ra cùng với dòng cổ điển và nhạc nhẹ, và nó đã có chỗ đứng riêng biệt đáng trân trọng. Sự xuất hiện của Ngọc Khuê với âm nhạc đậm chất dân gian Bắc Bộ của Lê Minh Sơn như một làn gió mới thổi vào Showbiz Việt gây ngạc nhiên cho tất cả những ai quan tâm. Âm nhạc dân gian được Lê Minh Sơn khai thác và sáng tạo nên những ca khúc mang hơi thở đương đại, trẻ trung hơn, mạnh mẽ hơn nhưng vẫn giữ được cái nét duyên của vốn dân gian cổ. Hàng loạt ca khúc ra đời trở thành “hiện tượng” như: Bên bờ ao nhà mình, Ôi quê tôi, Đá trông chồng, Cặp ba lá… kéo theo tên tuổi của Ngọc Khuê, Tùng Dương được khán giả ngưỡng mộ.

Trước thời điểm này một chút, album Mây trắng bay về của ca sỹ Thanh Lam với sự sáng tạo của Quốc Trung đã thật sự mở ra một hướng đi mới – âm nhạc mang hơi hướng world music, sử dụng chất liệu dân gian phối khí cho những ca khúc nhạc nhẹ. Mây trắng bay về làm cho Thanh Lam gần như lột xác với một hình ảnh mới lạ hơn, ngay lập tức được sự ủng hộ rất lớn của khán thính giả khắp nơi. Ngay sau khi Mây trắng bay về thành công ngoài mong đợi, Quốc Trung bắt tay vào thực hiện dự án cho riêng mình. Vài năm sau, Đường xa vạn dặm “đậm” chất world music hơn đã ra đời được chuyên môn, báo giới và khán giả đón nhận nồng nhiệt. Đi xa hơn, “chất” hơn, tinh tế và thông minh hơn những đồng nghiệp cùng lứa, Quốc Trung gần như là người mở đầu cho “phong trào” world music mà hiện tại có nhiều ca, nhạc sỹ theo đuổi.

Không khí “dân gian” trong showbiz Việt càng rộn ràng hơn khi sân chơi Bài hát Việt với sự xuất hiện của anh chàng “ngoại đạo” Nguyễn Vĩnh Tiến với hàng loạt ca khúc đậm đà chất dân gian Bắc Bộ được Ngọc Khuê thổi hồn trên sân khấu và được khán giả đua nhau bình chọn, đến mức, “Bà tôi” trở thành bài hát “hot” nhất năm 2005 khi sự phổ cập của nó đến với công chúng là rất lớn. Cùng với Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn vẫn vững vàng và ngày càng tinh tế hơn, Giáng Son cũng là một nhạc sỹ sử dụng nhiều chất liệu dân gian trong các tác phẩm của mình.

Hàng loạt ca sỹ dòng dân gian bắt đầu được khán giả chú ý và yêu thích. Trước đây có Ngọc Sơn, Quang Linh, Cẩm Ly thì thế hệ tiếp sau có Tùng Dương, Ngọc Khuê, Tân Nhàn, Vương Dung… tiếp nối “đậm” chất dân gian hơn, đặc biệt là Tùng Dương và Ngọc Khuê, những ca sỹ này đã gây một ảnh hưởng nhất định đến Showbiz, tạo nên một lối hát riêng biệt, điển hình mà nhiều ca sỹ trẻ sau này học tập, đi theo.

Cùng với sự khởi sắc của dòng nhạc dân gian trong Showbiz, Truyền hình Việt Nam cũng đã góp một phần không nhỏ trong việc “khơi” lại dòng dân gian nguyên gốc trong Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc đã qua hai lần tổ chức. Đây thật sự là một việc làm ý nghĩa trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo nghị quyết Trung ương Đảng. Qua hai kỳ Liên hoan, rất nhiều màu sắc văn hóa dân gian các vùng miền đã được thể hiện trên sân khấu của các khu vực và tụ hội lại trong mấy đêm chung kết.

Âm nhạc dân gian còn được sử dụng trong lĩnh vực thời trang khi nó được chọn làm nhạc nền cho những sải bước của các người mẫu khoác trên mình những bộ cánh truyền thống của dân tộc. Một số chương trình thời trang gần đây sử dụng âm nhạc dân gian và coi nó như một phần không thể thiếu trong tổng thể chương trình. Ví dụ như hai chương trình thời trang lớn- Đẹp Fashion show “Cơn ác mộng của người thợ may” và “Bí ẩn của linh hồn” gần đây. Cả hai chương trình thời trang này đều do nhạc sỹ Quốc Trung đảm nhận phần âm nhạc, chính nó đã góp một phần không nhỏ tạo nên sự thành công của hai chương trình này. Đặc biệt với “Bí ẩn của linh hồn” âm nhạc dân gian đã thật sự được thể hiện rất rõ nét khi những nhạc cụ dân tộc, những giai âm từ ca trù, tuồng, chầu văn…được sử dụng khéo léo tạo nên cảm xúc đặc biệt cho người xem khiến họ đắm chìm vào một thế giới huyền bí, tâm linh trong một show diễn không còn khái niệm thời trang đơn thuần mà nó đã được nâng lên như là một bộ môn nghệ thuật.

Có thể thấy, dòng chảy của âm nhạc dân gian dù không ồn ào, sôi động như nhạc giải trí nhưng nó luôn có một vị trí trang trọng trong đời sống Nhạc Việt. Những nhạc sỹ, ca sỹ đi theo dòng nhạn dân gian đã, đang và sẽ luôn được tôn trọng, bởi những gì họ làm đã góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tinh hoa của văn hóa dân gian – bản sắc của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Ngô Bá Lục